Chùa Đống Lân (thuộc xóm Hồng Quang 2) xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng.
29/10/2024
Chùa Đống Lân tọa lạc bên sườn nam gò Đống Lân thuộc xóm Hồng
Quang 2, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng.
CHÙA ĐỐNG LÂN
Lê Chí Thanh
Chùa Đống Lân tọa lạc bên sườn nam gò Đống Lân thuộc xóm Hồng
Quang 2, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Ngôi chùa thờ hai anh em Trần
Quý, Trần Kiên và thờ phật, thờ Thạch Sanh, thờ Thánh mẫu. Đây là một trong
những điểm đến hấp dẫn của nhân dân địa phương và du khách trong lễ hội xuân
hàng năm.
Đống Lân là ngôi chùa cổ được dựng lên từ lâu, tương truyền rằng, vào
thời thập nhị sứ quân, tại châu Thạch Lâm có hai anh em Trần Quý và Trần Kiên
nổi tiếng về nghề thuốc chữa bệnh, hiểu biết sâu rộng các loại thuốc quý từ thiên
nhiên, trừ được các loại rắn độc, trị bệnh cho người. Hơn nữa, người cha của hai
ông lấy được vợ tiên nên thông thạo các phép thuật lạ có sức mạnh siêu nhiên đã
truyền lại cho các con trai của mình. Nhờ đó, hai ông có khả năng chế ngự được
tà ma, diệt trừ yêu quái, bảo vệ dân lành, giữ gìn cuộc sống ổn định bình yên.
Trọn đời, Trần Quý và Trần Kiên luôn ghi công tích đức, làm việc thiện giúp
dân nghèo trong khó khăn hoạn nạn. Hai ông đến đâu là bệnh tật bị đẩy lui, ma
quỷ hoảng hốt bỏ chạy, cuộc sống nhân dân trở lại an bình. Khi các ông mất,
nhân dân địa phương vô cùng thương xót, họ đã góp công sức lập đền thờ ghi
nhớ công ơn và mong hai ông trên chốn linh thiêng luôn phù hộ độ trì cho mọi
người.
Ban đầu, nhân dân dựng đền thờ tại đỉnh Khau Dủa, nằm phía Bắc làng
Nà Vài, cách chùa Đống Lân hiện tại chừng 2000m. Khau Dủa, tiếng Tày có
nghĩa là đèo chùa, hay đồi chùa, nơi đây núi cao, khe sâu, rừng rậm, nhiều thú
dữ, đường độc đạo đi lại vất vả, rất dễ gặp nguy hiểm. Việc thăm nom đền thờ
khó khăn, nhu cầu tín ngưỡng hương, bái, cầu cúng bị hạn chế nhiều. Trước thực
trạng đó, người dân địa phương đã đưa vấn đề này ra bàn bạc và thống nhất làm
lễ xin hai ông cho di dời vị trí đền đến chỗ khác thuận lợi hơn. Như cảm thấu
được điều này, vào một ngày trời râm, bỗng dưng có cơn lốc lớn làm tốc hết mái
đền, một gắp gianh bay là là rồi nhẹ nhàng rơi xuống sườn nam gò Đống Lân.
Nhân dân trong vùng coi là điềm thiêng, sự mách bảo của thần linh, nên đã dựng
ngôi đền tại đó và rước bát hương từ Khau Dủa về thờ phụng. Nhưng, khi ấy có
điều khác lạ là, thờ Trần Quý tại đền Đống Lân, còn Trần Kiên thì lập đền Cai
Cộng và thờ tại đó. Hai anh em không cùng ban thờ một chỗ. Tuy nhiên, hai đền
thờ này cũng gần nhau và đều thuộc xã Vu Tuyền. Trải qua các triều đại, đều
được nhà vua sắc phong và cung tiến mỹ tự: Đống Lân diệu linh thông cảm, trợ
quốc hiệu linh, phấn dũng ninh biên, thủy khánh tứ hỗ, dương liệt hiển linh Đại
Vương; Cai Cộng linh diệu hiển ứng trợ vũ, anh quả hùng đoán Đại Vương.
Thời Nhà Lê, Trần Quý được phong làm Đống Lân Đại Vương trung đẳng thần;
Trần Kiên làm Cai Cộng Đại Vương hạ đẳng thần, quốc tế hai mùa xuân thu.
Trong chùa Đống Lân còn có ban thờ Thạch Sanh (là nhân vật trong
truyền thuyết Thạch Sanh của đồng bào dân tộc Tày). Theo truyện kể, nhân vật
Thạch Sanh là người ở phố Cao Bình (khu vực chùa Đống Lân, xã Hưng Đạo),
toàn bộ câu chuyện dân gian đó diễn ra ở đây. Khâm phục trước phẩm đức chân
thành, thật thà chất phác, trung dũng, tài năng và khí phách của Thạch Sanh luôn
hướng tới cái thiện; nhân dân trong vùng đã đưa Thạch Sanh vào thờ tự ở chùa
Đống Lân. Chùa Đống Lân còn được người dân địa phương gọi là Chùa Thạch
Sanh hay là Đền Thạch Sanh. Điều đó đã trở thành tâm thức dân gian truyền
thống quen thuộc trong lòng mỗi người dân nơi đây.
Dưới thời Nhà Lý, vào cuối thế kỷ XI, phật giáo thịnh hành, nên chùa
chiền được xây dựng khắp nơi trong cả nước. Ngay tại đền thờ Trần Quý và
Trần Kiên, đền được trùng tu, tôn tạo để thờ phật. Từ đền chuyển sang chùa,
ngôi chùa trải qua các biến cố lịch sử và được xây dựng, tôn tạo lại nhiều lần.
Năm Tân hợi niên hiệu Càn thống thứ 19 (1611), Hoàng hậu Nhà Mạc
cho xây chùa theo hình chữ “Đinh”, có hai bên hành lang và hậu đường, tăng
phòng. Đến khi Mạc Long Thái thua trận, Nhà Lê chiếm cứ, ngôi chùa lần nữa
bị đốt cháy hoàn toàn, sau đó lại quyên tiền tu sửa nhà chùa. Đến năm Canh
thân, niên hiệu cảnh hưng 1740, giặc dã nổi lên bốn bề, chúng vào chiếm cứ
chùa; quan quân triều đình đến dẹp loạn, ngôi chùa bị hủy hoại nặng. Thời Tây
Sơn, năm Cảnh thịnh, núi đồi quanh đó bị cháy rừng lan đến tận chùa, nhân dân
quanh vùng lại hưng công tu sửa, đúc chuông, nhưng sau đó Trấn thủ hủy
chuông lấy làm đồ đồng khí.
Cho đến thời Nhà Nguyễn, ngôi chùa được dựng lại toàn bộ gần như
ngày nay. Nơi thờ Trần Quý và Trần Kiên được đặt tại nhà hành lang phía bên
trái, gian chính diện thì thờ phật và thờ Thạch Sanh.
Chùa Đống Lân được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo
Quyết định số 71/QĐ-UBND, ngày 15/01/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao
Bằng
Năm 2004, chùa Đống Lân được trùng tu tôn tạo, xây dựng hai gian thờ
phật và xây tường rào bao quanh để bảo vệ. Năm 2008, Ban đại diện phật giáo
tỉnh Cao Bằng còn cho xây thêm một gian thờ mẫu và thỉnh sư về trụ trì tại
chùa. Đến năm 2011, tiến hành xây dựng tam quan và nhà thờ tổ.
Lễ hội chùa Đống Lân được tổ chức vào ngày mùng 07 và mùng 08 tháng
giêng âm lịch, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, sinh
động, tưng bừng không khí lễ hội xuân đã thu hút đông đảo nhân dân địa
phương và du khách tới chùa dự hội, chiêm bái./.