Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại Di tích Điểm lưu niệm Hoàng Đình Giong, phường Đề Thám thành phố Cao Bằng
Ngày 18 tháng 2 năm 2025 UBND thành phố Cao Bằng ban hành công văn số 443/UBND-VHTT về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại Di tích Điểm lưu niệm Hoàng Đình Giong và Nhà văn hóa kết hợp gian thờ tưởng niệm Tổng Chúp
Nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Thành ủy Cao Bằng, đồng thời nâng cao nhận thức và giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho cán bộ, nhân dân và thế hệ trẻ, UBND phường Hợp Giang đề nghị mỗi người dân trên địa bàn phường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong gia đình, cơ quan đơn vị về khu Di tích lưu niệm Đồng chí Hoàng Đình Giong (Tổ 8, phường Đề Thám) và Công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm Tổng Chúp (xóm Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) cụ thể như sau:
- Tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của Di tích lưu niệm Đồng chí Hoàng Đình Giong và Công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm Tổng Chúp, đưa 2 địa chỉ này trở thành điểm đến thường xuyên của các buổi sinh hoạt, tọa đàm, tham quan, báo công, tuyên dương… để giáo dục truyền thống và đạo đức cách mạng cho đoàn viên, hội viên, thanh niên và nhân dân góp phần tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của các di tích trên địa bàn thành phố.
- Các đơn vị trường học trên địa bàn Xác định giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các tiết học giáo dục địa phương bằng các hoạt động tham quan, trải nghiệm; thường xuyên tổ chức các hoạt động báo công, tuyên dương, tọa đàm, sinh hoạt đoàn, đội, sinh hoạt chuyên đề…tại Di tích lưu niệm Đồng chí Hoàng Đình Giong (phường Đề Thám - Thành phố Cao Bằng) và Công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm Tổng Chúp (xóm Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng).
Ý nghĩa Lịch sử khu di tích Hoàng Đình Giong
Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại làng Nà Toàn, Phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng. Đây là địa điểm gắn liền với thời niên thiếu của đồng chí Hoàng Đình Giong- người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng. Năm 1998, di tích địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2009, ngôi nhà của gia đình đồng chí Hoàng Đình Giong đã được phục dựng lại ngay chính địa điểm nền nhà cũ.
Để đáp ứng phần nào nhu cầu tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong cho khách thăm quan, trong nhà lưu niệm đồng chí Ban quản lý khu di tích đã tiến hành trưng bày những hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí. Phần trưng bày được chia làm 6 phần chính:
1. Quê hương, gia đình đồng chí Hoàng Đình Giong
2. Những năm tháng hoạt động cách mạng và trực tiếp rèn luyện xây dựng Đảng bộ Cao Bằng.
3. Vai trò lãnh đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong giai đoạn 1930-1935
4. Đấu tranh trong nhà tù đế quốc, thoát khỏi tù ngục về nước hoạt động cách mạng.
5.Chỉ huy bộ đội Nam tiến chống thực dân Pháp xâm lược.
6. Sự tôn vinh, ghi nhận những cống hiến và công lao to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Phần 1: Quê hương, gia đình đồng chí Hoàng Đình Giong
Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc, đất nước quê hương cách mạng Cao Bằng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: " Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một người con tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp"
Hoàng Đình Giong (tức: Hoàng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh...). Dân tộc Tày, sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, châu Hòa An, năm 1912 chuyển sang làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, châu Hòa An (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng). Gia đình đồng chí có 11 anh chị em, đồng chí là con thứ 4 trong gia đình. Các anh chị em đều trực tiếp tham gia cách mạng hoặc có cảm tình với cách mạng.
Phần 2: Những năm tháng hoạt động cách mạng và trực tiếp rèn luyện xây dựng Đảng bộ Cao Bằng.
Ngay từ thửa nhỏ, Hoàng Đình Giong đã sớm có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp, điều này thể hiện rõ qua các bài luận trong những năm học tại trường tiểu học Pháp - Việt Cao Bằng. Do đó tại các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học năm 1923 và năm 1924. Hoàng Đình Giong đều bị đánh trượt.
Trong dịp nghỉ hè năm 1924, anh đi dạy học ở làng Pỏ Phiệt, xã Yên Luật, Hà Quảng. Hoàng Đình Giong rất chú ý dạy cho học sinh những bài "thơ ca yêu nước", kêu gợi cho học sinh những vị anh hùng dân tộc ta trước đây để cho học sinh hiểu rõ dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.
Đến kỳ thi tháng 6/1925 Hoàng Đình Giong đi Lạng Sơn thi lần nữa, nhưng do bị chính quyền Thực dân Pháp chú ý theo dõi nên dù làm tốt bài thi nhưng anh vẫn bị đánh trượt.
Cuối năm 1925, Hoàng Đình Giong được tin trường Bách Nghệ (Hà Nội) mở kỳ thi tuyển học sinh vào học nghề, anh đã dự thi và đỗ ở thứ hạng cao.
Trong thời gian học trường Bách Nghệ Hà Nội, anh đã hăng hái tham gia phong trào bãi khóa của học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. . Sau buổi lễ đó, một số học sinh trường Bách Nghệ bị đuổi học trong đó có Hoàng Đình Giong.
Trở lại Cao Bằng, Hoàng Đình Giong, tiếp tục các hoạt động tuyên truyền chống thực dân Pháp. Tháng 2 năm 1927 các bạn học cùng trường Bách Nghệ: Ninh Văn Phan, Bùi Đức Năng, Hoàng Bùi Phồn từ Hà Nội lên gặp Hoàng Đình Giong để chuyển cho anh quyết định của tổ chức Hội thanh niên giới thiệu các anh được xuất dương tham dự các lớp chính trị của hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở nước ngoài. Sau một thời gian các đồng chí ở lại Cao Bằng hoạt động, Hoàng Đình Giong và Ninh Văn Phan quyết định sang Trung Quốc học tập và hoạt động. Tháng 5/1928 đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Sau đó, đồng chí đã tích cực tìm cách để tuyên truyền, vận động đưa chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào Cao Bằng.
Tháng 12 năm 1929 đồng chí Hoàng Đình Giong cùng các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng Sản Đảng và thành lập chi bộ Hải ngoại ở Long Châu, Trung Quốc. Hoàng Đình Giong được bầu làm bí thư chi bộ. Như vậy Hoàng Đình Giong trở thành một trong những đảng viên đầu tiên ở vùng miền núi Cao - Lạng. Với tư cách là bí thư chi bộ, Hoàng Đình Giong được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn.
Ngay sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời 3/2/1930. Đảng đã chủ trương xúc tiến xây dựng phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở các tỉnh và thành phố. Đầu năm 1930, đồng chí Hoàng Đình Giong cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức tiến tới thành lập tổ chức Đảng ở Cao Bằng.
Ngày 1/4/1930, tại khe suối Nặm Lìn, thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, chi bộ đảng đầu tiên của Cao Bằng được thành lập gồm 3 đồng chí Lê Đoàn Chu, Nông Văn Đô, và đồng chí Hoàng Văn Nọn được bầu làm bí thư. Ngay từ lúc thành lập đã thực hiện chức năng của tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh.
Sự kiện chi bộ Nặm Lìn được thành lập gắn liền với tên tuổi và vai trò của đồng chí Hoàng Đình Giong. Với tầm nhìn xa trông rộng, lòng yêu nước tha thiết và hoài bão tuổi trẻ, anh đã gây dựng và chỉ đạo tổ chức thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh - tiền thân của đảng bộ Cao Bằng ngày nay.
Phần 3: Vai trò lãnh đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong giai đoạn 1930-1935
Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đã phát động nhiều cuộc đấu tranh trong cả nước mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, lo sợ trước làn sóng đấu tranh của quần chúng, thực dân Pháp đã điên cuồng khủng bố đàn áp, phong trào cách mạng trong toàn quốc rơi vào tình thế khó khăn.
Mặc dù vậy ở Cao Bằng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong, các cơ sở Đảng, phong trào cách mạng vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển trong những năm 1930-1935, nhiều chi bộ mới được thành lập ở Mỏ Thiếc Tĩnh Túc, Liên Châu Quảng Uyên - Phục Hòa, Châu Thạch An, châu Nguyên Bình.
Ngoài nhiệm vụ chung của Đảng, Hoàng Đình Giong còn chỉ đạo tỉnh ủy Cao Bằng xuất bản tờ báo "Cờ Đỏ" để tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn phong trào cách mạng. Số báo đầu tiên xuất bản ngày 1/4/1932 tại hang Bó Ghẻp. Địa điểm in báo Cờ Đỏ suốt trong mấy năm 1932-1935 phải di chuyển nhiều nơi để đảm bảo bí mật, địa điểm cuối cùng là hang Tốc Rù xã Hồng Việt, huyện Hòa An.
Hầu hết các báo đều do Hoàng Đình Giong viêt, để kêu gọi, động viên quần chúng tham gia cách mạng, như trong bài "tuổi xanh " đồng chí Hoàng Đình Giong đã viết:
" Ta mau đứng dậy thoát ra khỏi vòng
Đảng Cộng sản trông mong kêu gọi
Dân bần cùng tù tội đứng lên
Cùng nhau đoàn kết cho bền
Nước nhà độc lập dân quyền trong tay"
Đầu năm 1933, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử về Hải Phòng và Quảng Ninh để gây dựng lại cơ sở Đảng và phong trào cách mạng. Thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Đình Giong với những hoạt động kiên trì, dũng cảm đã khôi phục nhiều cơ sở Đảng và phong trào của quần chúng cũng tiếp tục được duy trì.
Đây là hình ảnh khu công nhân núi trọc, mỏ than Đèo Nai, Cẩm Phả, Quảng Ninh, nơi đồng chí Hoàng Đình Giong hoạt động năm 1934,1935.
Như vậy, những năm 1932 - 1935. Hoàng Đình Giong giữ vai trò "con thoi" chỉ đạo và hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh và nước ngoài.
Với thành tích xuất sắc trên, đồng chí Hoàng Đình Giong được dẫn đầu đoàn đại biểu xứ ủy Bắc Kỳ đi dự đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng Sản Đông Dương tại Ma Cao, Trung Quốc. Tháng 3 năm 1935, đồng chí được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương, được phân công phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ.
Phần 4: Đấu tranh trong nhà tù đế quốc, thoát khỏi tù ngục về nước hoạt động cách mạng.
Cuối năm 1935, đồng chí trở về nước, tổ chức chỉ đạo phong trào công nhân tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Đến Hải Phòng đồng chí đến nghỉ tại khách sạn Đồng Lợi chờ bắt liên lạc với cơ sở. Nhưng không may bị Thực dân Pháp phát hiện và bắt giam trên đường phố Hàng Kênh ngày 4/2/1926 . Tại sở mật thám Hải Phòng, bị tra tấn rất dã man nhưng đồng chí không khai một lời. Đồng chí bị tuyên án 5 năm tù, bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, Nhà Tù Sơn La Tháng 5/1941, mặc dù đã hết hạn tù, nhưng biết được Hoàng Đình Giong là nhân vật quan trọng có nhiều ảnh hưởng ở Bắc Kỳ, chính quyền thực dân tiếp tục đày đồng chí sang đảo Nô-Xi-La-Va ở Ma- Đa- Gát- Ca một thuộc địa của Pháp ở Châu Phi.. Nhưng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đồng chí Hoàng Đình Giong vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, trung thành với Đảng, với cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh trong các nhà tù.
Đầu năm 1943, sau chiến thắng của hồng quân Liên Xô ở Xtalingrat phe đồng minh Mỹ, Anh, Pháp càng khẩn trương đẩy mạnh mặt trận chống Phát xít Nhật ở Châu Á và Thái Bình Dương. Do đó chúng muốn lợi dụng những tù chính trị ở đảo Nô - Xi- La-va huấn luyện và đưa về nước hoạt động, cung cấp tài liệu quân sự của phát xít Nhật ở Việt Nam cho chúng. "Tương kế tựu kế" đồng chí Hoàng Đình Giong bàn với anh em lợi dụng âm mưu của chúng để thoát khỏi tù đày, trở về Việt Nam.
Tháng 10/ 1943, quân Anh đưa Hoàng Đình Giong từ thành phố CanCutta Ấn Độ bay thẳng sang Côn Minh (Trung Quốc) rồi theo đường bộ Tĩnh Tây qua biên giới Việt Trung về Cao Bằng. Tại hang Ngườm Hoài, xã Hồng Việt huyện Hòa An. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã báo cáo với Trung ương Đảng sách lược tranh thủ đồng minh để về nước hoạt động. Chủ trương này đã được Trung ương đồng ý và sau đó Hoàng Đình Giong được về thăm nhà, kể từ mùa thu năm 1927 đã hơn 16 năm xa cách, nay mới trở về. Hoàng Đình Giong bồi hồi xao xuyến, không cầm nổi nước mắt. Ngay sau đó, đồng chí tiếp tục lên đường trở lại Ấn Độ làm nhiệm vụ và mang theo tài liệu mà Trung ương đã chuẩn bị theo đúng cam kết với quân Đồng minh. Sau khi hoàn thành "chuyến đi thử lửa" Hoàng Đình Giong đã bàn với các đồng chí của mình thúc đẩy quân Anh sớm đưa họ về nước.
Ngày 25 tháng 10 năm 1944, từ máy bay của quân Đồng Minh Hoàng Đình Giong và Lê Giản được về chuyến bay đầu tiên và nhảy dù an toàn xuống Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, Hòa An, Cao Bằng. Về tới đất nước thân yêu sau 4 năm xa cách các đồng chí đã nộp tất cả điện đài máy móc cho Đảng. Sau đó, tất cả đều nhanh chóng hòa nhập vào tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cơ quan tình báo Anh cho rằng " họ đã thả hổ về rưng"
Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử làm trưởng ban khởi nghĩa của tỉnh Cao Bằng.
Ngày 20/8/1945, quân Tàu Tưởng bao vây phía bắc thị xã, đồng chí Hoàng Đình Giong viết công văn bằng hai thứ chữ Việt và hán gủi chỉ huy quân đội tưởng nói rõ Cao Bằng đã lập chính quyền cách mạng do Việt Minh lãnh đạo và đã đánh Phát Xít Nhật, yêu cầu Tàu Tưởng thực hiện đúng quy chế đồng minh.
Sáng ngày 21/8/1945 Hoàng Đình Giong chỉ huy một đại đội giải phóng quân bí mật vượt Sông Hiến tiến vào Thị Xã giành chính quyền, đồng chí đã đến thẳng Pháo Đài đàm phán với chỉ huy quân đội Nhật, đơn vị quân đội Nhật đã xin hàng. Đêm 21/8/1945, thị xã rực đỏ cờ tổ chức mít tinh chào mừng lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Cao Bằng tại chùa Phố Cũ.
Phần 5.Chỉ huy bộ đội Nam tiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 1/10/1945 đồng chí Hoàng Đình Giong được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ làm chỉ huy trưởng bộ đội Nam Tiến vào Miền Nam đánh giặc. Để đảm bảo an toàn bí mật cho đồng chí, Bác Hồ đã đổi tên cho đồng chí là Võ Văn Đức. Bác còn dặn: " Chú cầm quân ra chiến trường, văn võ đều cần, nhưng phải chú trong cái đức của người cán bộ cách mạng"
Suốt chặng đường vào Nam, bọn Nhật gây nhiều khó khăn cho đoàn quân Nam tiến. Sau một năm hành quân gian khổ vừa đi vừa tác chiến, cuối tháng 10 năm 1945. Đơn vị Nam tiến đã có mặt và tham gia chiến đấu bao vây quân Pháp ở Sài Gòn.
Tại mặt trận Sài gòn, đồng chí Võ Văn Đức là vị chỉ huy mưu trí, ứng xử mền dẻo. Theo lời kể của đồng chí Nguyễn Bá Khoản - phóng viên báo" Cứu quốc" ra thăm mặt trận Sài Gòn tháng 10/1945 kể lại: một hôm được tin đoàn xe của Nhật tiến về phía Sài Gòn bị quân ta chặn lại, vì tình báo cho biết trên xe trở nhiều súng đạn. Sĩ quan nhật yêu cầu gặp vị chỉ huy cao nhất đó là Võ Văn Đức và yêu cầu mở ngay đường cho xe vào Sài Gòn tiếp tế cho quân đồng minh. Đồng chí Võ Văn Đức đã khéo léo giải thích và thông báo với sĩ quan Nhật về việc cấm vận chuyển lương thực vào Sài Gòn, buộc chúng phải chấp nhận theo kế hoạch của đồng chí.
Ngày 10/12/1945 đồng chí Vũ Đức được phân công làm ủy viên thường vụ Liên tỉnh miền tây, Khu Bộ Trưởng quân khu 9. Tư lệnh Vũ Đức đã góp phần củng cố và tổ chức lại bộ đội, giải quyết đúng đắn chính sách dân tộc, xây dựng tình đoàn kết dân tộc Việt và Khơ Me.
Đồng chí Võ Văn Đức có lối sống chan hòa, với nhân dân nên ông được đồng bào các dân tộc miền tây quý mến, bà con dân tộc Hoa thấy ông nói thạo tiếng Quảng Đông, Quảng Tây nên mới xem như đồng hương, đồng bào tin yêu gọi đồng chí Khu trưởng là Cụ Vũ Đức lập bàn thờ trong nhà và còn mang cơm đến dâng như kiểu tên Phật sống theo phong tục của đồng bào Khơ me.
Cuối tháng 11 năm 1946, khu Bộ trưởng Vũ Đức lên đường ra bắc nhận nhiệm vụ mới, khi đến tỉnh Ninh Thuận, đồng chí nhận quyết định của Trung ương Đảng phân công ở lại làm khu bộ trưởng khu 6. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của vị chỉ huy từng trải Vũ Đức đã chỉ đạo các tỉnh trong khu gây dựng lại cơ sở, làm cho phong trào cách mạng địa phương từng bước được ổn định và phát triển.
Năm 1947, Khu Bộ trưởng trong khi đang làm việc tại Sở chỉ huy khu bộ, thì địch bất ngờ tấn công, đồng chí đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Thi hài của đồng chí được mai táng tại trụ sở chiến khu tỉnh Ninh Thuận.
Sau này khi nước nhà được thống nhất, ngày 31 tháng 8 năm 1980 Trung ương Đảng đã quyết định chuyển hài cốt đồng chí về mai táng tại nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội , nơi dành cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước đã hy sinh trọn đời vì nước vì dân.
Ghi nhận những cống hiến và công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp vẻ vang của Đảng, năm 1998 Đảng và nhà nước đã truy tặng Hoàng Đình Giong huân chương cao quý-huân chương Hồ Chí Minh và ngày 21 tháng 12 năm 2009, truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho đồng chí Hoàng Đình Giong
Thưa các đồng chí!
Thể hiện sự tri ân với công lao to lớn của đồng chí Hoàng Đình Giong, hàng năm tỉnh Cao Bằng đều tổ chức những hoạt động kỷ niệm ngày sinh của đồng chí. Đồng thời tỉnh Cao Bằng cũng đã xây dựng khu di tích - Tượng đài Hoàng Đình Giong đẹp đẽ trang nghiêm.Trường Đảng của tỉnh Cao Bằng cũng đã được mang tên trường chính trị Hoàng Đình Giong, cũng tại Thành phố Cao Bằng một trong những đường phố to đẹp cũng được mang tên Hoàng Đình Giong.
Xin giới thiệu với các đồng chí! Đây là tủ trưng bày những cuốn sách, tiêu biểu viết về đồng chí Hoàng Đình Giong. Đặc biệt, là cuốn "Hoàng Đình Giong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng (1904-1947) của Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng, cuốn sách được biên soạn công phu khoa học, chứa đựng nhiều tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong.
"Đồng chí Hoàng Đình Giong là một cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Toàn bộ những hoạt động cống hiến của đồng chí đã thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, trải qua nhiều thử thách hy sinh luôn luôn trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam quanh vinh, với tổ quốc Việt Nam yêu quý. Đồng chí Hoàng Đình Giong đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, tấm gương hoạt động của đồng chí mãi mãi để cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo"